BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Income Statement) là một báo cáo kế toán, phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp trong suốt một kỳ kế toán

1. Các vấn đề cơ bản cần được quan tâm:

Vấn đề 1: Doanh thu như thế nào?
Điều này được phản ánh qua mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01): Tại mục này, ta xem xét: tốc độ tăng trưởng của doanh thu là ổn định hay biến động lớn qua các năm. Các doanh nghiệp có tốc độ ổn định thường sẽ có mức độ bền vững và hoạt động sản xuất kinh doanh của nó sẽ tốt hơn.

Vấn đề 2: Cấu trúc chi phí của doanh nghiệp như thế nào? Liệu mối quan hệ chi phí và doanh thu có ổn định theo thời gian hay không?


Nếu mối quan hệ giữa chi phí và doanh thu ổn định thì điều đó chứng tỏ doanh nghiệp có khả năng quản lý tốt chi phí, tránh được tình trạng biến động cao của chi phí ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Mỗi loại hình doanh nghiệp có một cấu trúc chi phí khác nhau. Trong đó có hai vấn đề ta cần làm rõ là chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.

+ Chi phí trực tiếp là những chi phí trực tiếp cấu thành nên giá trị thành phẩm, là chi phí nguyên vật liệu, nhân công hoặc điện nước, khấu hao của máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
+ Chi phí gián tiếp là những chi phí không trực tiếp cấu thành nên giá trị thành phẩm, tuy nhiên những chi phí này phát sinh nhằm giúp cho quá trình tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng hơn. Ví dụ: chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp,...
Cấu trúc chi phí phản ánh đặc thù của các loại hình doanh nghiệp. Có những ngành nghề có lợi nhuận/doanh thu rất cao nhưng cũng có những ngành nghề lợi nhuận/doanh thu rất thấp. Một cửa hàng vàng bạc, đá quý có mức lợi nhuận là 30-40% nhưng đối với một cửa hàng bán lẻ thì mức lợi nhuận chỉ vào khoảng 5-10%

2. Nội dung các chỉ tiêu trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:

2.1. Khái quát chung: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thực chất là khoản mục doanh thu của doanh nghiệp trừ đi tất cả các loại chi phí để đến được khoản mục lợi nhuận sau thuế. Doanh thu và chi phí của một công ty có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Ta có thể phân loại hoạt động của doanh nghiệp thành ba loại cơ bản: 
+ Từ hoạt động kinh doanh chính: là những khoản doanh thu (+)/chi phí (-) đến từ những hoạt động kinh doanh được ghi rõ trên giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp
+ Từ hoạt động tài chính: là những khoản doanh thu (+) đến từ lãi của khoản tiền nhàn rỗi, hay chi phí (-) mà doanh nghiệp phải trả lãi cho ngân hàng khi đi vay, doanh thu (+)/chi phí (-) đến từ khoản chênh lệch phát sinh từ tỷ giá (nếu có)
+ Từ hoạt động khác: là những hoạt động không liên quan đến hai mục trên. Ví dụ: khi một doanh nghiệp thanh lý một số máy móc thiết bị để nâng cấp lên máy móc, thiết bị hiện đại hơn. Thông thường, những hoạt động trong mục này không xảy ra thường xuyên. Đối với góc độ phân tích tài chính, mục này thường được bỏ qua do những hoạt động này có ít khả năng lặp lại trong tương lai.

Sau đây, để dễ dàng cho các bạn hình dung, blog xin trích dẫn báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Thế giới di động năm 2017, được kiểm toán bởi EY.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Thế giới di động năm 2017, đã được kiểm toán bởi EY. 
2.2. Các chỉ tiêu
2.2.1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01): phản ánh tổng giá trị ban đầu của khối lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đã bán cho khách hàng trong một thời kỳ nhất định. Đây là chỉ tiêu quan trọng nhằm đánh giá tình hình kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Doanh thu tăng thể hiện sự phát triển của doanh nghiệp và là điều kiện cần thiết để gia tăng lợi nhuận hoạt động của công ty. Sự biến động của mục này chịu tác động của hai yếu tố (biến): sản lượng tiêu thụ và đơn giá bán bình quân của sản phẩm đó. Trong hai yếu tố này, việc tăng doanh thu từ sản lượng tốt hơn so với việc tăng doanh thu từ giá cả. Bởi vì, nếu tăng giá thì sẽ tăng lượng khách hàng rời bỏ sản phẩm của doanh nghiệp đó, trong khi, nếu tăng sản lượng thì chứng tỏ quy mô sản xuất của doanh nghiệp đó được mở rộng. Việc gia tăng doanh thu sẽ giúp gia tăng lợi nhuận.

2.2.2. Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã số 02): phản ánh các khoản phải ghi giảm trừ vào doanh thu để xác định mức doanh thu thực hưởng của doanh nghiệp. Các khoản giảm trừ này bao gồm:

- Chiết khấu thương mại: số tiền giảm trừ mà doanh nghiệp dùng để ưu đãi khách hàng, nhằm khuyến khích khách hàng mua hàng với một số lượng lớn hơn hoặc vì một lý do đặc biệt nào khác.
- Giảm giá hàng bán: số tiền mà doanh nghiệp giảm giá cho khách hàng do sản phẩm, hàng hóa bị giảm hoặc mất phẩm chất. Đây là những khoản tiền doanh nghiệp chấp nhận cho khách hàng được hưởng ngoài hóa đơn.
- Gía trị hàng bán bị trả lại: trị giá theo giá bán của số sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp đã bán, đã ghi nhận doanh thu nhưng bị khách hàng trả lại do hàng giao sai quy cách, phẩm chất kém.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế GTGT: số tiền thuế doanh nghiệp đã thu hộ và phải nộp lại cho nhà nước trong kỳ báo cáo
Nếu các khoản giảm trừ có xu hướng gia tăng qua các năm là một tín hiệu tiêu cực.

2.2.3. Doanh thu thuần (Mã số 10) = doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (01) - Các khoản giảm trừ doanh thu (02)


2.2.4. Gía vốn hàng bán (Mã số 11) là toàn bộ những chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tạo ra khoản doanh thu tương xứng đó. Cụ thể:

- Trong lĩnh vực sản xuất: Gía vốn hàng bán là tổng giá thành sản xuất của khối lượng sản phẩm đã  được tiêu thụ trong kỳ báo cáo. Trong một doanh nghiệp, số lượng sản phẩm đã được tiêu thụ khác số lượng sản phẩm sản xuất. Hai con số này chỉ bằng nhau khi doanh nghiệp không có tồn kho.
- Trong lĩnh vực dịch vụ: Chi phí trực tiếp tạo ra dịch vụ đã cung ứng trong kỳ
- Trong lĩnh vực thương mại: Gía vốn hàng bán phản ánh tổng giá mua và chi phí thu mua của hàng hóa đã bán trong kỳ.
Ta thường lấy tỷ lệ phần trăm giữa giá vốn hàng bán/tổng doanh thu để xem tỷ lệ chi phí trực tiếp trong kỳ đã thay đổi như thế nào so với các kỳ trước. Tỷ lệ này phản ánh khả năng kiểm soát chi phí trực tiếp của doanh nghiệp.

2.2.5. Lợi nhuận gộp (Mã số 20) = Doanh thu thuần (10) - Gía vốn hàng bán (11)

Lợi nhuận gộp phản ánh mức lời của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các chi phí trực tiếp.

2.2.6. Doanh thu từ hoạt động tài chính (Mã số 21): các khoản lãi từ hoạt động đầu tư tài chính, lãi cho chênh lệch tỷ giá, lãi tiền gửi, chiết khấu thanh toán được hưởng.


2.2.7. Chi phí hoạt động tài chính (Mã số 22): Chi phí lãi vay, chi phí hoạt động đầu tư tài chính, chiết khấu thanh toán trả cho khách hàng và các khoản lỗ phát sinh từ hoạt động tài chính, lỗ do chênh lệch tỷ giá, các khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.


2.2.8. Chi phí bán hàng (Mã số 25) là chi phí liên quan đến việc bán hàng mà doanh nghiệp phải chi ra để bán được hàng. Ví dụ: Chiết khấu cho đại lý, chi hoa hồng cho nhân viên để nhân viên bán hàng, chi phí bóc dỡ hàng hóa,...


2.2.9. Chi phí quản lý doanh nghiệp (Mã số 26) là cho phí mà doanh nghiệp phải trả cho bộ phận quản lý của doanh nghiệp.


2.2.10. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 30) = Lợi nhuận gộp (20) + [ Doanh thu từ hoạt động tài chính (21) - Chi phí hoạt động tài chính (22)] - [Chi phí bán hàng (24) + Chi phí quản lý doanh nghiệp (25)]

Sự tăng trưởng của mục này so với kỳ trước thể hiện doanh nghiệp đã sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

2.2.11. Lợi nhuận khác (Mã số 40) là phần lợi nhuận thu được từ các hoạt động khác với hoạt động thông thường của doanh nghiệp. Ví dụ: nhượng bán; thanh lý tài sản cố định; khoản tiền phạt, bồi thường mà doanh nghiệp được hưởng do đối tác vi phạm hợp đồng; thu hồi các khoản phải thu đã xử lý. Đặc trưng của mục này là không thường xuyên.


2.2.12. Lợi nhuận kế toán trước thuế (Earning before tax - EBT) =  Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (30) + Lợi nhuận khác (40)


2.2.13. Lợi nhuận sau thuế (Earning after tax - EAT) = EBT - thuế (tax)

EAT còn được gọi là lợi nhuận ròng (Net Income).

2.2.14. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (Mã số 70)
Lãi cơ bản trên cổ phiếu là khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Nó được thể hiện trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ở mục “Lãi cơ bản trên cổ phiếu”. Ta có thể so sánh mục này giữa các công ty trong cùng ngành để xem công ty làm hiệu quả hơn. Tuy nhiên chúng ta chú ý rằng giá cổ phiếu của mỗi công ty khác nhau; chúng ta mua 20.000đ/cp  của DN có lãi 2000đ còn hơn là mua 30.000đ/cp của DN lãi 2.500 đồng. Chính vì vậy sinh thêm một chỉ số phụ là EPS ( Earning per Stock)

Giá cổ phiểu của DN cũng giống như giá trên thị trường hàng hóa thông thường, giá cân bằng là giá mà nơi cung và cầu bằng nhau. Nếu để thị trường tự điều tiết thì giá của một cổ phiếu luôn phản ánh đúng giá trị thực của DN. Nếu ở đâu có cổ phiếu rẻ thì người ta sẽ đổ xô tới mua làm cho lực cầu tăng lên khiến giá tăng lên. Nếu ở đâu cổ phiếu đắt thì người bán sẽ muốn bán nhiều hơn khiến cho lực cung tăng dẫn tới giá giảm. Do vậy, về dài hạn thì giá phản ánh đúng giá của cổ phiếu.

Tài liệu tham khảo:
1. Các chỉ tiêu báo cáo kết quả kinh doanh - ThS Lê Hoài Ân (CFA), Giảng viên ngành Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
2. Kiến thức nguồn vốn - Nguyễn Việt Dũng.

Minh Tran

minhphuocbaotran.blogspot.com

0 comments:

Post a Comment