BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statement) nhằm vào mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp thông tin về các khoản thu/chi tiền của một DN trong suốt một thời kỳ nhất định.

Trích từ báo cáo tài chính hợp nhất của Viettel Global Qúy 1 2018

A. Khái quát:
Như ta đã biết ở bài trước, Lợi nhuận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BC KQ HĐKD) là một đại lượng kế toán và nó hoàn toàn có thể bị hiểu sai lệch. Vd: Bạn tạo ra lợi nhuận là 500 triệu nhưng không có nghĩa năm đó, bạn có nhiều hơn 500 triệu. Vì sao?

Lợi nhuận khác với dòng tiền tạo ra thêm được vì doanh thu của DN không bằng với dòng tiền mà DN nhận được trong kỳ. Vd: Khi DN bạn "bán chịu" hàng hóa thì trên BC KQ HĐKD có ghi nhận doanh thu vào mục "khoản phải thu". Và tất nhiên, nó cũng được ghi nhận vào mục lợi nhuận. Nhưng thật sự mà nói thì DN vẫn chưa nắm trong tay được số tiền đó. Trong trường hợp xấu nhất, khoản tiền này có thể bị mất vĩnh viễn do khách hàng mà DN "bán chịu" không trả. Như vậy, DN có lợi nhuận nhưng chưa hẳn là có tiền. 

Ở một khía cạnh khác, dòng tiền chi ra của DN có thể lớn hơn chi phí của DN đươc ghi nhận trên BC KQ HĐKD. Vd: Khi bạn nhập một lượng lớn hàng tồn kho A về và chỉ có một phần trong lượng hàng tồn kho A đó, gọi là A', A' ⊂ A (A' là con của A) đi vào sản xuất, cho ra thành phẩm và bán đi thì khi đó, A' mới được ghi nhận là chi phí trên bảng KQ HĐKD . Mặt khác, khi một lượng lớn sản phẩm không bán ra thị trường được, qua một thời gian dài bị hư hao đi thì nó không những không giúp DN phát sinh lợi nhuận mà còn làm giảm lợi nhuận của DN. 

Kế toán cơ sở & Kế toán cơ sở dồn tích
Khác với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (được lập dựa trên Kế toán cơ sở - cơ sở tiền mặt) thì Bảng cân đối kế toán và Bảng kết quả HĐ kinh doanh được lập trên "Kế toán cơ sở dồn tích". Cơ sở dồn tích là một thuật ngữ của kế toán. Cơ sở dồn tích sẽ ghi nhận các giao dịch khi có sự phát sinh chứ không ghi nhận trên thực thu/thực chi.  Cơ sở kế toán dồn tích là một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản nhất chi phối các phương pháp kế toán cụ thể trong kế toán DN. Theo đó, mọi giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền (chuẩn mực kế toán số 01, 2002).
Lợi nhuận = Thu nhập (được hưởng) - Chi phí (phát sinh). 

Kế toán trên cơ sở tiền là quá trình trong đó thu nhập và chi phí (được sử dụng để tạo nên thu nhập) theo định nghĩa là các khoản tiền thực nhận và thực trả:
Lợi nhuận = Thu nhập (tiền mặt) - Chi phí (đã thanh toán)

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo phản ánh lên yếu tố sống còn của DN
Tiền được coi là thước đo cuối cùng cho hiệu quả của một DN. Tiền được ví như mạch máu - yếu tố sống còn để nuôi sống DN, thiếu tiền thì mọi HĐ sản xuất kinh doanh của DN sẽ gặp khó khăn và nếu không tìm được nguồn tiền (nguồn tài trợ) thì DN sẽ mất  khả năng thanh toán.

Các nhà phân tích đầu tư thường bỏ qua báo cáo này vì tính khó hiểu của nó. Tuy nhiên, chính báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo phản ánh lên yếu tố sống còn của DN - đó là tiền: Tiền được tạo ra từ đâu? Tiền đang được sử dụng vào mục đích gì? Sau một thời gian hoạt động thì DN còn lại bao nhiêu tiền? Đó dường như là những câu hỏi rất cơ bản mà các cổ đông hay các ngân hàng cho vay đều rất quan tâm.

B. Các khoản mục chính:
Người ta chia dòng tiền của DN ra thành ba loại:
1. Dòng tiền hoạt động kinh doanh: phản ánh các khoản thu/chi của DN liên quan đến hoạt động kinh doanh chính của DN (khoản thu mua nguyên vật liệu, chi trả tiền lương nhân viên, khoản thu từ bán hàng,..). Đây là dòng tiền quan trọng nhất trong ba loại dòng tiền vì nó thể hiện khả năng tài chính của DN nhằm đáp ứng các như cầu mở rộng sản xuất/trả nợ,.. Các thông tin từ dòng tiền này là cơ sở quan trọng để lập kế hoạch tài chính (năm tới thu/chi như thế nào).
2. Dòng tiền hoạt động đầu tư: phản ánh các khoản đầu tư và thanh lý các khoản đầu tư tài sản hữu hình (máy móc, thiết bị, đầu tư vào công ty khác...), là cơ sở quan trọng để biết được công ty đang có kế hoạch mở rộng như thế nào, cách thức mở rộng ra sao. Để mở rộng, DN thường có hai cách:
+ Cách 1: Nâng cao năng lực sản xuất cốt lõi của DN thông qua đầu tư các loại tài sản hữu hình (máy móc, thiết bị,..). 
+ Cách 2: Đầu tư ra các DN khác dưới dạng đầu tư tài chính.
Trong hai cách trên thì cách 1 thường tốt hơn vì khi đó, DN đang đầu tư vào nơi mà DN có khả năng quản lý rủi ro tốt nhất. Còn ở cách 2, DN đã trao quyền tự chủ của mình vào DN khác.
3. Dòng tiền hoạt động tài chính: liên quan đến việc huy động và chi trả nguồn vốn (huy động nợ vay, kêu gọi vốn chủ sở hữu góp vào,...), là khoản mục liên quan đến sự thay đổi kết cấu và quy mô của vốn vay và vốn chủ sở hữu.

C. Phân tích
1. Phân tích dòng tiền:
Các chỉ tiêu cần được xem xét:
+ Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh
+ Tiền mặt sau trả nợ định kỳ
+ Dư thừa, thâm hụt tiền mặt sau đầu tư
+ Các nguồn tiền mặt được bổ sung trong kỳ: từ chủ sở hữu, từ vay
+ Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ hay tiền mặt sau hoạt động tài chính
2. Phân tích các tỷ số lưu chuyển tiền tệ
2.1. Hệ số khả năng trả tiền lãi vay: Chỉ tiêu này đo lường số lần mà dòng tiền mặt của DN có thể trả lãi tiền vay.
Hệ số khả năng trả tiền lãi vay = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD/Lãi phải trả từ tiền vay
2.2. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn: Chỉ tiêu này đo lường số lần mà dòng tiền mặt của DN có thể trả các khoản nợ ngắn hạn.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD/Nợ ngắn hạn bình quân
2.3. Hệ số khả năng thanh toán các nguồn tài trợ: 
Hệ số khả năng thanh toán các nguồn tài trợ = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD/(Lãi phải trả từ tiền vay + Nợ ngắn hạn + Cổ tức)
2.4. Hệ số khả năng thanh toán nợ của luồng tiền thuần từ HĐKD:
Hệ số khả năng thanh toán nợ = Lưu chuyển thuần từ HĐKD/Bình quân tổng dư nợ
Thời gian trả hết nợ = Bình quân tổng dư nợ/Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD

Tài liệu tham khảo:
Phân loại lưu chuyển tiền tệ - ThS Lê Hoài Ân (CFA), Giảng viên ngành Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.

Minh Tran

minhphuocbaotran.blogspot.com

0 comments:

Post a Comment