Báo cáo tài chính của một công ty
phát hành nhằm phản ánh tình hình hoạt động của mình. Báo cáo này nhằm phục vụ cho
nhiều bên liên quan khác nhau. Trong đó, có một mục tiêu quan trọng mà một công
ty nhắm tới khi phát hành BCTC. Đó là sử dụng BCTC như một công cụ chứng minh sự
tăng trưởng/mức độ ăn nên làm ra của công ty mình nhằm 2 mục đích lớn nhất là đi
vay với lãi suất thấp và nâng cao giá trị cổ phiếu của công ty mình. Đó là những
lúc công ty làm ăn thuận lợi, thế còn những lúc làm ăn khó khăn? Thì lúc đó, số
liệu thật trong BCTC lại là một nhát dao chí mạng: bị ngân hàng
cho vay với một lãi suất cực cao cũng như giá cổ phiếu của công ty bị rớt giá
thảm hại,... Nhằm không để tình trạng đó xảy ra, một số công ty “chiêu trò” sẽ
dùng những thủ thuật để “xào nấu” số liệu của mình. Nghe có vẻ như gian dối và phạm luật nhưng tất
nhiên, khi nó đã được gọi là thủ thuật thì nó không được gọi là gian dối và phạm
luật nữa.
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (Securities and Exchange Commission - SEC). Nguồn ảnh: Internet |
Bài viết sau đây được blog trình bày lại dựa trên bài viết gốc “Lợi nhuận nhỏ và chiến lược Big Bath” của Martin Fridson – Chuyên gia chiến lược tín dụng toàn cầu của công ty BNP Paribas Investment Partners và Fernando Alvarez – Tiến sỹ của ĐH New York, hiện là giáo viên thỉnh giảng về Tài chính và Kinh tế học tại ĐH Columbia (Mỹ), ngôi trường của nhà tỷ phú giàu thứ 2 thế giới Warren Buffett (chỉ sau Bill Gates) cũng như cựu tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - ông Barack Obama.
Thủ thuật “Lợi nhuận nhỏ”
Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch
(Securities and Exchange Commission) và Hội đồng chuẩn mực Kế toán Tài chính
(Financial Accounting Standards Board - FASB) của Mỹ cấm các công ty đánh bóng tô vẽ lợi nhuận quá nhiều để làm tăng
giá cổ phiếu của công ty mình. Tuy nhiên, những người làm luật lại không quy định
rõ: thế nào thì được gọi là “quá nhiều”? Và tất nhiên, các công ty có thể sử dụng
lỗ hỏng này để điều chỉnh mức độ mà họ phải tiết lộ các con số trên báo cáo tài
chính vì rõ ràng những thông tin xấu từ những con số có thể gây ảnh hưởng xấu đến
sự đánh giá của thị trường chứng khoán. Đối với một số người, nguyên tắc công bố
thông tin là nếu không có ai hỏi thì việc giảm sự tự nguyện khi công bố thông
tin thì không được xem là gian dối.
Một nhóm nghiên cứu được dẫn dắt
bởi nhà kinh tế học của Harvard – Richard Zeckauser đã thu thập bằng chứng về sự
lan rộng của việc thiếu trung thực. Nghiên cứu tập trung vào những trường hợp lợi
nhuận báo cáo hàng quý của công ty chỉ (1) cao hơn hoặc (2) thấp hơn một chút
so với kỳ trước.
Giả định rằng báo cáo tài chính
được lập theo mục tiêu lý tưởng là phản ánh chính xác tình hình hoạt động của
công ty. Theo luật xác suất, báo cáo hàng quý của công ty phải bao gồm biến cố “lợi nhuận cao hơn kì trước trong năm” và biến cố “lợi nhuận thấp hơn một chút
so với kì trước trong năm”. Zeckauser và cộng sự của mình phát hiện ra,
rằng đa số các công ty có xu hướng báo cáo sự tăng trưởng lợi nhuận nhỏ, nhiều
hơn là ghi nhận sự sụt giảm nhỏ. Điều này cho thấy,
rõ ràng là khi công ty có nguy cơ phải trình bày những so sánh sụt giảm nhỏ
trong lợi nhuận, thì công ty sẽ sắp xếp những khoản mục tuỳ nghi (*) để ép ra được
kết quả tăng trưởng biên.
Chiến lược “Big Bath”
Giả sử một công ty gánh chịu một
khoản lỗ hàng quý quá lớn đến nỗi nó không thể dùng chiêu trò “khoản mục tuỳ
nghi” để xoá đi được thì nó sẽ dùng chiến thuật “Big Bath” (taking a big bath
saving for rainy days) bằng cách tối đa hoá thiệt hại được báo cáo trong quý
đó. Lý do là khi lợi nhuận giảm 30% với khi giảm 20% thì mức độ lo lắng của nhà
đầu tư cũng không chênh lệch hơn là mấy. Do đó, nhà quản lý (CEO, CFO,…) sẽ cảm
thấy có lợi hơn nếu đẩy các khoản chi phí trong tương lai sang quý hiện tại và
kết quả là có thể đảm bảo cho một con số lợi nhuận dương trên báo cáo của kỳ tiếp
theo dù cho có lỗ. Đây có thể nói là thời điểm thuận lợi để để ghi nhận các khoản
lỗ dài hạn trong giá trị tài sản, chẳng hạn như máy móc sản xuất lỗi thời và lợi
thế thương mại (goodwill) (**) hình thành từ những vụ mua lại không thành công trong
quá khứ. Trên thực tế, các công ty có thể ghi giảm giá các tài sản trên với con
số lớn hơn con số mà theo nguyên tắc chính xác trong kế toán. Việc đảo ngược
các khoản ghi nhận quá lố như vậy là một công cụ làm ổn định lợi nhuận các kỳ
sau đó.
Zeckauser và cộng sự của ông đã
chứng thực cho giả thuyết “Big Bath” khi chỉ ra rằng lợi nhuận sụt giảm sâu thường
có xác suất xảy ra nhiều hơn là tăng mạnh. Điều đó chứng tỏ các nhà quản lý
không bị động mà có sự can thiệp vào việc tính toán lợi nhuận bằng cách lợi dụng
các khoảng cách của các quy định kế toán. Cảm tưởng chung của các nhà nghiên cứu
là các công ty xem báo cáo tài chính là một kỹ thuật để yểm trợ cho giá cổ phiếu
hơn là một công cụ để phổ biến thông tin khách quan cho các bên liên quan.
Nếu như những chiêu trò “nâng lợi
nhuận, giảm lỗ” này có thể thoát khỏi sự phát hiện của nhà đầu tư và cho vay
thì lợi ích mà công ty đạt được là rất lớn. Ví dụ, việc tiết kiệm chi phí lãi
vay ở mức 0.5% trên tổng mức vay 1 tỷ USD tương đương tới 5 triệu USD (trước
thuế) mỗi năm.
Giải thích thuật ngữ
(*) Khoản mục tuỳ nghi: khoản mục được điều chỉnh theo ý muốn của DN nhưng xét về luật thì vẫn đúng luật.
(**) [Saga] Lợi thế thương mại (Goodwill) được xem như một tài sản vô hình trong bản cân đối kế toán bởi vì nó không phải một tài sản thực tế như nhà xưởng hay trang thiết bị. Lợi thế thương mại thường phản ánh giá trị của tài sản vô hình như thương hiệu mạnh, mối quan hệ tốt với khách hàng, mối quan hệ tốt với nhân viên hoặc bất cứ bằng sáng chế hay công nghệ phù hợp nào.
Hiểu đơn giản thì lợi thế thương mại là phần chênh lệch giữa số tiền mà một doanh nghiệp bỏ ra để mua một doanh nghiệp khác với giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp được mua.
Ví dụ: Giả sử bây giờ Microsoft mua lại FPT với giá 1 tỷ USD. Toàn bộ giá trị tài sản hiện có của FPT là 500 triệu USD (cộng tất cả các loại nhà cửa, ô tô, máy tính, động sản, bất động sản (có thể bao gồm cả giá trị thương hiệu của FPT hiện đang phản ánh trên BCTC (nếu có),...), giá trị các khoản nợ của FPT là 100 triệu USD. Như vậy giá trị tài sản thuần của FPT là 400 triệu USD. Khoản chênh lệch giữa giá mà Microsoft bỏ ra mua FPT và giá trị tài sản thuần là 600 triệu USD, đó chính là lợi thế thương mại.
0 comments:
Post a Comment