Sơ lược về Vingroup và Samsung
Tập đoàn Vingroup tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993 bởi người Việt Nam. Những năm đầu của thế kỷ 21, Technocom luôn có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp lớn mạnh nhất Ukraina. Từ năm 2000, Technocom - Vingroup trở về Việt Nam. Hiện nay, Vingroup được biết đến như một tập đoàn hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, sản xuất ô tô, điện thoại di động, dược phẩm, giáo dục và y tế. Doanh thu của tập đoàn này cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2017 là 89.350 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế đạt 5.655 tỷ đồng (khoảng 0,24 tỷ USD), tổng tài sản của Vingroup đạt 213.792 tỷ đồng (khoảng 9,2 tỷ USD) - trích báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán bởi EY.
Samsung (tiếng Hàn: ba ngôi sao) là cái tên thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Được sáng lập bởi Lee Byung-chul năm 1938, khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ với mặt hàng là cá khô, mỳ và rau quả. Samsung đã phát triển thành một tập đoàn hùng mạnh, hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, công nghiệp nặng, hóa chất, tài chính, dịch vụ. Nếu chỉ tính điện tử và các công ty phụ trợ của nó thì doanh thu đã đạt 211,8 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 37,2 tỷ USD, tổng tài sản đạt 266,8 tỷ USD (cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2017).
(*) Số liệu trên được blog tổng hợp (trích xuất, chuyển đổi tỷ giá) từ các báo cáo tài chính (đã kiểm toán) của 2 bên. Trong quá trình tổng hợp, nếu có sai sót, blog rất mong nhận được đóng góp từ phía độc giả.
SAMSUNG
Lễ ra mắt Galaxy Note 9 - Sản phẩm chủ lực của Samsung thời gian gần đây. Nguồn ảnh: Internet. |
Chủ tịch Lee Kun Hee (CEO của Samsung) đã dẫn dắt Samsung bằng khả năng thấu suốt của mình. Khả năng này thể hiện ở chỗ: ông nhìn ra trước được những khó khăn, thách thức mà Samsung sẽ gặp phải để từ đó cứ mỗi hàng năm, hay mỗi 10 năm 1 lần, ông đưa ra một đề tài mới bằng cách đề cập đến bối cảnh thời đại mà có ý kiến gọi phong cách này là “quản trị bằng đề tài”. Ông nhấn mạnh: để đạt được vị trí số 1 thế giới, Samsung buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh mềm, đón đầu nắm bắt kỹ thuật công nghệ, củng cố năng lực thiết kế, nâng cao vị thế thương hiệu theo chuẩn quốc tế. Mềm ở đây là những thứ vô hình như tình cảm, tri thức, văn hóa, sáng taọ,… so với khái niệm cứng chỉ những thứ hữu hình. Theo ông, “nếu chúng ta không nắm giữ kỹ thuật độc nhất có thể phô diễn một cách tự tin trong thời đại công nghệ bành trướng này thì mãi mãi chúng ta sẽ phụ thuộc vào DN có công nghệ tiên tiến và chỉ đứng vào hàng ngũ DN loại hai và loại ba mà thôi” và đốc thúc công tác kỹ thuật công nghệ. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Samsung đã mở rộng đầu tư quy mô lớn cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển) - một trong những chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Tại sao nó được gọi là chìa khóa? Để trả lời cho câu hỏi này, blog xin dẫn một câu chuyện sau đây:
Chuyện xưa kể rằng, có một anh tiều phu đến gặp ông chủ xưởng gỗ để xin làm việc. Thấy anh khỏe mạnh, chăm chỉ, lại thật thà, ông chủ xưởng nhận ngay.
Để đáp lại lòng tốt của người chủ, anh tiều phu tự nhủ sẽ làm việc thật cố gắng. Vác chiếc rìu của mình lên vai, anh chàng đi vào rừng và chăm chỉ đốn gỗ.
Sau một ngày dài làm việc, người tiều phu mang về 18 cây gỗ. Ông chủ hài lòng, vỗ vai anh và khích lệ: "Tốt lắm chàng trai, hãy cứ tiếp tục phát huy".
Ngày tiếp theo, anh chặt tới 20 cây gỗ, rồi 25 cây, 30 cây. Số tiền kiếm được ngày càng nhiều, sự tin tưởng của người chủ càng lớn.
Ngày thứ 5, sau khi làm việc hăng say từ sáng đến tối, anh tiều phu chắc mẩm mình đã chặt được nhiều hơn số gỗ ngày trước đó. Nhưng khi đếm lại, anh giật mình phát hiện ra số gỗ mình chặt được chỉ được 15 cây.
Tự nhủ không thể để chuyện này lặp lại, sang ngày thứ 6, anh chàng thậm chí làm việc quần quật hơn hôm qua, không nghỉ lấy một phút. Thế nhưng, kết quả cuối ngày khiến anh rất buồn lòng khi số gỗ đốn được chỉ là 15 cây.
Anh chàng tìm đến ông chủ, buồn rầu thanh minh: "Có lẽ tôi đã mất đi sức mạnh của mình rồi thưa ngài. Tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra".
Ông chủ xưởng gỗ nhìn người tiều phu và chiếc rìu sứt mẻ của anh ta một lúc lâu, rồi thong thả hỏi: "Lần cuối cùng cậu mài chiếc rìu của mình là khi nào?".
"Mài rìu ư? Tôi đã dành hết thời gian của mình để đốn cây, chẳng có giây phút nào ngơi nghỉ để mài rìu cả", anh tiều phu thật thà đáp.
"Vậy đó chính là lý do đấy chàng trai", ông chủ đáp lại.
Đó là câu chuyện mà Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 của Mỹ đã để lại. Với câu chuyện này, Abraham Lincoln đúc kết lại bằng một câu nói nổi tiếng: "Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu".
Thật vậy, khi bạn bước ra một khu chợ, ghé qua hàng anh bán thịt, bạn luôn thấy rảnh tay là anh ta mài dao. Để làm gì? Vì anh ta biết, nếu anh ta mài chiếc dao, nói cách khác là công cụ lao động của mình thì năng suất chặt xẻ thịt sẽ cao lên cấp bội và từ đó, anh ta có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. R&D cũng vậy.
Viện kỹ thuật tổng hợp của Samsung có nhiệm vụ phát triển kỹ thuật đối phó với tương lai và tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nghiên cứu và phát triển với ngân sách không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh. Kết quả, Samsung đứng thứ hai thế giới về số lượng bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Dù biết rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – chỉ cần gỗ là đủ rồi nhưng Samsung thì không phải vậy. Nó không dừng lại ở kỹ thuật mà còn mạnh dạn đầu tư vào thiết kế. Vào tháng 1 năm 1996, tại buổi lễ chào mừng năm mới, chủ tịch Lee Kun Hee đã tuyên bố năm 1996 sẽ là năm của cuộc cách mạng thiết kế. Ông nhấn mạnh đến việc dành tổng lực cho công tác phát triển thiết kế độc đáo của Samsung. Yêu cầu này xuất phát từ nhận thức, nếu không có các thiết kế sang trọng đặc thù thì Samsung khó lòng đứng vào hàng ngũ của các DN hàng đầu thế giới. Sau đó, Samsung đã mở rộng đầu tư quy mô lớn nhắm vào thiết kế thông qua cơ sở hạ tầng, nhân lực. Về cơ sở hạ tầng, công ty điện tử Samsung đã triển khai các hoạt động thiết kế mang tính tổng hợp như thành lập Ủy ban thiết kế vào năm 2000, đặt trung tâm quản trị dưới sự quản lý trực tiếp của CEO vào năm 2001. Về mặt nhân sự, từ sau năm 1988, tỷ trọng nhân sự có giá trị gia tăng thấp như nhân sự sản xuất hoặc với nghiệp vụ đơn giản đã giảm từ 35% xuống còn 21%. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực R&D đã tăng gấp 10 lần, từ 6.000 người lên đến 56.000 người. Kết quả là công ty điện tử Samsung liên tiếp nhận được các giải thưởng quốc tế của IDEA, iF,… đồng thời giữ vị trí số một trong lĩnh vực điện tử và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng.
Vị thế thương hiệu của Samsung cũng được nâng cao nhờ sự quyết đoán của chủ tịch Lee Kun Hee. Tháng 5 năm 1996, chủ tịch Lee yêu cầu ban giám đốc lên phương án đưa thương hiệu Samsung lên tầm quốc tế và DN đã bắt đầu lập chiến lược thương hiệu mới đồng thời tiến hành thực hiện một cách nghiêm túc vào năm 1997. Công ty điện tử Samsung đã tiến hành các biện pháp cụ thể như thiết lập tổ chức tiếp thị toàn cầu, áp dụng kỹ thuật tiếp thị tiên tiến trong việc thực hiện chiến lược quảng bá thương hiệu, tổng hợp các bộ phận quảng cáo thuộc chi nhánh hoặc pháp nhân tại nước ngoài vốn thực hiện các phương thức quảng cáo khác nhau thành một công ty duy nhất nhằm chuyển tải hình ảnh và thông điệp duy nhất đến các khách hàng trên toàn cầu. Việc Samsung trở thành đối tác chính thức của Olympic, vốn là sân chơi của các DN hàng đầu thế giới, cũng dựa trên chỉ thị của chủ tịch Lee. Nguyên phó chủ tịch công ty điện tử Samsung, Yoon Jong Yong đã hồi tưởng lại “Đây là một việc mà với tư cách là giám đốc làm thuê, có đổ nhiều tiền tôi cũng không dám mơ đến, thế mà điều này đã được thực hiện nhờ quyết tâm của chủ tịch Lee”. Từ đó, Samsung đều đặn triển khai các hoạt động quảng cáo với tư cách là đối tác của các sự kiện Olympic mùa đông, mùa hè, Asian Game. Những nỗ lực này góp phần quan trọng đưa Samsung lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng về giá trị thương hiệu theo đánh giá của Interbrand năm 2017.
Nhân lực là lĩnh vực mà Chủ tịch Lee quan tâm hàng đầu. Việc thu hút nhân tài bên ngoài càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nghiệp vụ cần thiết là vô cùng quan trọng. Chỉ thị mà Chủ tịch Lee đưa ra là “hãy thu hút nhân tài với mức lương cao hơn thị trường” “hãy tìm kiếm và đào tạo nhân tài cho tương lai” cũng dựa trên suy nghĩ này. Đội ngũ nhân lực chủ chốt người nước ngoài, chuyên gia sở tại đang trở thành nguồn lực cốt lõi cho năng lực của Samsung ngày nay được hình thành nhờ vào sự quyết đoán và tầm nhìn xa của chủ tịch Lee. Theo chỉ thị của ông, từ năm 1991 đến đầu năm 2013, con số chuyên gia sở tại lên đến 5000 người tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Ban đầu, chính sách này vấp phải sự phản đối của các trưởng bộ phận, cho rằng: "ngôn ngữ bất đồng lại phải hỗ trợ từ xa nên rất khó để làm việc". Nhưng sau nhiều lần được chủ tịch giải thích, việc tuyển dụng đã được thực thi. Hiện tại, đội ngũ này đóng vai trò rất lớn trong việc toàn cầu hóa phương thức quản trị của Samsung và triển khai các hoạt động kinh doanh của Samsung tại nước ngoài.
Nhân lực là lĩnh vực mà Chủ tịch Lee quan tâm hàng đầu. Việc thu hút nhân tài bên ngoài càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nghiệp vụ cần thiết là vô cùng quan trọng. Chỉ thị mà Chủ tịch Lee đưa ra là “hãy thu hút nhân tài với mức lương cao hơn thị trường” “hãy tìm kiếm và đào tạo nhân tài cho tương lai” cũng dựa trên suy nghĩ này. Đội ngũ nhân lực chủ chốt người nước ngoài, chuyên gia sở tại đang trở thành nguồn lực cốt lõi cho năng lực của Samsung ngày nay được hình thành nhờ vào sự quyết đoán và tầm nhìn xa của chủ tịch Lee. Theo chỉ thị của ông, từ năm 1991 đến đầu năm 2013, con số chuyên gia sở tại lên đến 5000 người tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Ban đầu, chính sách này vấp phải sự phản đối của các trưởng bộ phận, cho rằng: "ngôn ngữ bất đồng lại phải hỗ trợ từ xa nên rất khó để làm việc". Nhưng sau nhiều lần được chủ tịch giải thích, việc tuyển dụng đã được thực thi. Hiện tại, đội ngũ này đóng vai trò rất lớn trong việc toàn cầu hóa phương thức quản trị của Samsung và triển khai các hoạt động kinh doanh của Samsung tại nước ngoài.
Một trong những động lực nền tảng đưa Samsung từ một công ty nhỏ của Hàn Quốc trở thành một DN tầm cỡ thế giới trong một thời gian ngắn là sự mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới sinh ra lợi nhuận cao như bộ nhớ bán dẫn, TFD-LCD, điện thoại di động,... với phương thức quản trị chú trọng năng lực kỹ thuật, thiết kế, thương hiệu và nhân lực.
VINGROUP
Landmark 81 - Sản phẩm chủ lực của Vingroup thời gian gần đây. Nguồn ảnh: Internet. |
Đẩy mạnh R&D: Đi tắt đón đầu nhưng cũng phải tự lực
Xét về R&D, Tập đoàn Vingroup đã ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Big Data, trực thuộc công ty VinTech.
Trước đó, vào đầu năm 2018, hãng xe Vinfast, trực thuộc Vingroup, cho biết đã hoàn tất hợp đồng sản xuất 2 xe mẫu đầu tiên với nhà thiết kế Pininfarina (Italy). Bên cạnh đó, thương hiệu xe Việt này cũng công bố việc mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để phục vụ việc phát triển các dòng xe của hãng. Như vậy, sau khi ký kết hợp tác những thương hiệu lớn trong lĩnh vực ôtô như Magna Steyr, AVL, BOSCH, Siemens... BMW là đối tác tiếp theo của Vinfast.
Đối với mảng điện thoại thông minh, Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với BQ – Công ty công nghệ hàng đầu châu Âu, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất các dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart theo tiêu chuẩn quốc tế vào ngày 5/7/2018. Theo hợp đồng, BQ bán cho VinSmart bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu Vsmart, thuộc phân khúc cao cấp và bình dân. Bên cạnh đó, VinSmart sẽ khai thác các thế mạnh của BQ ở hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất. Đồng thời, VinSmart cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với BQ trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, để từ đó đưa các công nghệ hiện đại nhất thế giới vào trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử thông minh.
Tuy nhiên, theo định hướng của Vingroup, trong ngắn hạn, việc mua những bằng sáng chế này chỉ là biện pháp để đón đầu, làm tiền đề cho R&D của tập đoàn sau này chứ không dựa vào nó xét về dài hạn. “Chiến lược của Vingroup là sẽ “đi tắt đón đầu”, rút ngắn quá trình bằng việc đi mua công nghệ, thiết kế, tuy nhiên về lâu dài, những kỹ sư, nhà khoa học của Vingroup phải tự lực. Thậm chí, ngay cả khi mua máy móc, Vingroup cũng buộc phải có một bộ phận thẩm định, kiểm tra xem có tương thích với sản phẩm của tập đoàn không. Bộ phận này hiện nằm trong Vin Hi-Tech” - ông Nguyễn Quốc Sỹ, tân Viện trưởng Vin Hi-Tech chia sẻ.
Phát triển nguồn nhân lực
Ông Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Big Data nói rằng nhiệm vụ của viện là nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn là ngành Dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo,... đào tạo một lớp trí thức mới, có kiến thức cao, năng động và độc lập... Bên cạnh đó, Viện còn có Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Quỹ này nhằm để hỗ trợ các trường đại học, những người nghiên cứu tại Việt Nam.
"Mức hỗ trợ sẽ là cao nhất có thể" ông Văn chia sẻ và cho biết tuy không có mức trần hỗ trợ nhưng tối thiểu cũng sẽ được từ 2 – 3 tỷ đồng/dự án. Quỹ hỗ trợ này sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ 1/1/2019.
Không chỉ dừng lại ở đó, vào ngày 21/8/2018 tại Hà Nội, Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam đồng thời công bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Theo thỏa thuận, Vingroup và các trường đại học sẽ hợp tác 4 nội dung gồm: Tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; Trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; Giảng dạy và Chia sẻ tri thức; Vingroup cũng đặt các trường Đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.
Nếu như phương thức quản trị của Samsung là “hãy thu hút nhân tài với mức lương cao hơn thị trường” “hãy tìm kiếm và đào tạo nhân tài cho tương lai” thì Vingroup cũng vậy.
Ngày 25/9/2017, báo chí đưa tin, tập đoàn Vingroup đã bổ nhiệm ông James B.DeLuca - cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast.
Cũng tương tự vậy, vào đầu tháng 9 năm 2017, ông Võ Quang Huệ - cựu CEO của Bosch, người được mô tả là thông hiểu tiêu chuẩn Đức, dạn dày kinh nghiệm với ô tô đã chính thức về mái nhà Vingroup với chức danh Phó tổng giám đốc.
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Vingroup cũng đang sở hữu những nhân sự có lý lịch không kém cạnh. Có thể kể đến GS.TS khoa học Nguyễn Quốc Sỹ - Chuyên gia hàng đầu về vật lý plasma, từng được Tổng thống Putin tặng thưởng (đảm nhận chức danh Viện trưởng Viện nghiên cứu Vin Hi-Tech); hay Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hà Văn - Giáo sư ĐH Yale (Mỹ), có trong tay 104 công trình toán học nổi tiếng (đảm nhận chức danh giám đốc khoa học - Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) của Vingroup).
Như vậy, từ những dẫn chứng trên, ta có thể đúc kết phương thức quản trị của Vingroup như sau: mạnh dạn đầu tư vào R&D để nâng cao năng lực kỹ thuật - thiết kế. Điều này hoàn toàn tương đồng với phương thức quản trị mới của Samsung do chủ tịch Lee Kun Hee khởi xướng.
Nếu như tại những năm của thập niên 90, Samsung đón đầu tương lai (công nghiệp 3.5) bằng bộ nhớ bán dẫn, điện thoại di động thì giờ đây, Vingroup đón đầu công nghiệp 4.0 bằng dữ liệu lớn như học máy, trí tuệ nhân tạo,...
Minh Phuoc Bao Tran
Tài liệu tham khảo
3. The Samsung way – JaeYong Song & KyungMook Lee
5. Báo Tri thức trẻ
0 comments:
Post a Comment