LÝ THUYẾT TIỀN LƯƠNG HIỆU QUẢ VÀ ỨNG DỤNG CỦA HENRY FORD TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

Lý thuyết tiền lương hiệu quả (Efficiency wage hypothesis) phát biểu rằng, với một mức lương mà Doanh nghiệp (DN) tự nguyện trả cho người lao động cao hơn mức lương của thị trường: W > WE  thì lao động sẽ ít bỏ việc hơn, năng suất lao động tăng. Từ đó sẽ bù lại sự chênh lệch giữa mức lương phải trả cho lao động của DN trước và sau khi áp dụng lý thuyết tiền lương hiệu quả. 

Henry Ford là người sáng lập ra Công ty Ford Motor. Ông là một trong những người đầu tiên áp dụng sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp trong sản xuất ô tô. Ông không chỉ cách mạng ngành công nghiệp sản xuất ở Hoa Kỳ và châu Âu mà còn có nhiều ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội thế kỷ XX tới mức sự phối hợp giữa sản xuất hàng loạt, tiền lương cao và giá thành sản phẩm thấp cho người tiêu dùng đã được gọi là "Chủ nghĩa Ford." Ông đã trở thành một trong hai hay ba người giàu nhất thế giới; ông để lại hầu như toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Ford, nhưng vẫn thu xếp để gia đình ông mãi giữ được quyền quản lý công ty.

Henry Ford ( 30/7/1863 – 7/4/1947)
Hoàn cảnh
Trước năm 1914, thay vì sản xuất ô tô với một nhóm nhỏ các kỹ sư có kỹ năng, Ford tạo ra ô tô bằng dây chuyền sản xuất trong đó lao động không có kỹ năng được huấn luyện để thực hiện các công việc đơn giản lặp đi lặp lại. Sản phẩm của dây chuyền sản xuất này là Model T Ford, một trong những mẫu xe nổi tiếng nhất và thành công của Ford trong thời kỳ đầu. Và mức lương trả cho lao động của Ford lúc này là 2.34 đô/9 tiếng/1 ngày làm việc. Điều này dẫn đến câu chuyện nghiêm trọng về lao động của Ford. Trong vòng chỉ 1 năm (từ tháng 10 năm 1912 đến tháng 10 năm 1913), vòng quay lao động (labour turnover) của Ford đã lên đến 400%. Tức cứ 1 vị trí trong Ford thì đã bị thay đổi liên tục đến 4 lần chỉ trong vòng 1 năm do công nhân tự nghỉ việc.

Câu chuyện này không phải là câu chuyện riêng gì của Ford mà là câu chuyện của cả nước Mỹ lúc bấy giờ. Trong lịch sử nước Mỹ, vài năm trước khi diễn ra Thế chiến I là thời kỳ hỗn loạn với tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với sự bất mãn của lực lượng lao động. Đối với những người có việc làm, điều kiện làm việc vô cùng tồi tệ. Ngay cả những người thợ lành nghề thì mức lương cũng vẫn ở mức thấp. Trong môi trường khắc nghiệt như vậy, chủ nghĩa công đoàn và chủ nghĩa xã hội đã phát triển. Hoạt động bãi công, bao gồm những cuộc duy trì trật tự công đoàn quy mô lớn và các cuộc xung đột kịch liệt với cảnh sát tăng lên nhanh chóng. Xung đột giai cấp lên đến đỉnh điểm.

Hành động
Trong hoàn cảnh đó, Henry Ford tuyên bố ông sẽ tăng mức lương của công nhân lên mức 5 đô/1 ngày, gấp 2 lần mức lương hiện hành đồng thời giảm giờ làm xuống 1 tiếng, tức chỉ còn 8h/1 ngày. Đây là một sự đổi mới khá táo bạo của công ty, và cũng là một tuyệt chiêu. Trong khi các nhà chế tạo ô tô khác đang ngày càng lún sâu vào các hoạt động đối kháng với giai cấp công nhân, Ford đã đưa công nhân gia nhập vào một gia đình lớn. Họ bắt đầu muốn làm việc cho Công ty ô tô Ford. “Hành động của Ford đã làm thay đổi xã hội công nghiệp nước Mỹ”, nhà kinh tế học Peter F.Drucker trong cuốn “Management: Tasks, Responsibilities, Practices” (Quản lý: nhiệm vụ, trách nhiệm và thực thi) năm 1974 viết, “ông đã biến những người lao động ở Mỹ thành giai cấp trung lưu”.

Kết quả
Nhiều nhà quản trị cho rằng quyết định này thật điên rồ nhưng kết quả thật bất ngờ. Mặc dù phần lớn công nhân ở Công ty ô tô Ford phải đợi đến giữa năm 1914 mới được tăng lương nhưng ảnh hưởng của chính sách tăng lương, giảm giờ làm mới đối với công ty ngay lập tức được thể hiện. Theo John Lee, sản lượng của rất nhiều bộ phận đã tăng 50%, thậm chí còn nhiều hơn. Cũng giống như vậy, hiệu suất sản xuất của cả nhà máy cũng tăng từ 15-20%, hơn nữa nó còn tăng ngay trong ngày công ty đưa ra tuyên bố. Tỷ lệ bỏ việc hàng ngày từ 10% giảm xuống còn không đến 0,5%. Tỉ lệ luân chuyển công nhân (mối đe dọa lâu dài đối với tinh thần công nhân và sản lượng của nhà máy) cũng giảm mạnh. Đến tháng 10 năm 1914, vòng quay lao động đã giảm xuống còn 23% và Ford đã tiết kiệm được ít nhất là 2 triệu đô chi phí do không phải đào tạo nhân sự mới. Vào thời điểm năm 1913, văn phòng tuyển dụng phải bổ sung công nhân tới 53.000 lượt nhưng đến năm 1915, theo tính toán, chỉ còn 2000 lượt, hơn nữa chỉ là để bổ sung vào đội ngũ công nhân đã tăng thêm 1/2.
Như vậy chính sách lương 5 đô la/1 giờ đã thực sự phát huy tác dụng. Ngay cả những người công nhân trong Công ty ô tô Ford cũng bắt đầu biểu hiện nó trên trang phục. “Mỗi người đều đeo huy hiệu của công ty ra bên ngoài trang phục bởi vì họ đều cảm thấy vinh dự là người của Ford” - Charles C. Krueger đã nói như vậy khi miêu tả về mốt thời trang mới của Detroit - “Họ sẽ không đeo huy hiệu ở bên trong hay đeo ở những chỗ mà người khác không nhìn thấy, họ đeo ở cổ áo hoặc trên áo sơ mi. Đương nhiên, chỉ có đeo ở những chỗ đó thì họ mới có thể vào được nhà máy. Nhưng dù là vào chủ nhật hay bất cứ lúc nào, họ đều đeo huy hiệu để cho người khác biết rằng họ là người của Ford”. 

Tài liệu tham khảo
1. Principles of Economics 6th Edition by Mankiw, N. Gregory published by Cengage Learning
2. Bí quyết thành công của Henry Ford - Douglas G. Brinkley


Minh Tran

minhphuocbaotran.blogspot.com

0 comments:

Post a Comment